UCT Group nối dài những hành trình thiện nguyện
(Theo Chinhphu.vn) - “Hành trình nhân ái” của nhiều tấm lòng trên cả nước trong “cuộc chiến” chống COVID-19 vẫn chưa dừng lại. Điều đó thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái”, giá trị nhân văn sâu sắc mà dân tộc ta đã lưu giữ, phát huy và lan tỏa mỗi lúc gặp khó khăn.
Trong tâm dịch, tình người luôn tỏa sáng
Ở nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, người dân TPHCM đang cùng nắm chặt tay nhau để không ‘ai bị bỏ lại phía sau’ trong những ngày chống dịch.
"Lúc trước khi có dịch, chỉ 300 phần quà mà tụi mình phải đi đến nửa đêm vẫn chưa hết. Bây giờ, chỉ 2 tiếng thôi là đã hết sạch, 1.000 phần quà vẫn chưa đủ", anh Nguyễn Vương Trường Thành (27 tuổi), trưởng nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn, cho biết.
Khi dịch bùng phát mạnh, TPHCM phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã khiến nhiều người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu cái ăn, cái mặc hằng ngày, nhất là những lao động tự do, người vô gia cư… Thời điểm đó, các thành viên của nhóm Đêm Sài Gòn với gần 20 người đã phải hoạt động tích cực hơn. Nhóm chia nhau đi khắp các quận, huyện để tặng quà cho người vô gia cư, người lao động nghèo. Phần quà họ trao là bánh ngọt, sữa tươi và khẩu trang… nhằm giúp những người nghèo có đồ dự trữ trong những ngày thiếu thốn. Những ngày đầu khi chương trình mới khởi động, nhóm chỉ phát được 100 phần ăn mỗi đêm, nhưng hiện tại, số lượng đã tăng lên 1.000 phần với sự chung tay của nhiều mạnh thường quân khác.
Các hoạt động thiện nguyện giống như nhóm Đêm Sài Gòn vẫn len lỏi trong các con hẻm, nơi có nhiều hoàn cảnh khó khăn. Không để ai bị bỏ rơi lại phía sau, nhiều nhóm thiện nguyện, cũ có, mới có, đều tăng tốc hoạt động, bất kể đêm ngày, bất kể quy mô. Sự xuất hiện của họ trở thành một lực lượng quan trọng của thành phố trong những ngày đầu còn thiếu thốn nguồn lực chống dịch và ổn định an sinh xã hội.
“Hễ ai cần là có”, Nguyễn Hoàng Phúc (24 tuổi, quận Bình Tân), làm nghề tài xế xe du lịch, đã nói vậy khi anh đăng ký trở thành “tài xế F0” hỗ trợ các hoạt động của phường, quận. Suốt 2 tháng nay, anh sử dụng 2 chiếc xe của gia đình để đưa, đón bệnh nhân đi cách ly, chở lực lượng y, bác sĩ đi lấy mẫu, chở bình oxy hỗ trợ người bệnh… "Sáng mình chở đội đi lấy mẫu, lúc về chở F0 đi cách ly, có F0 khỏi bệnh thì mình đến chở về nhà, rồi chở oxy đi cho người ta, phát thuốc cho mọi người, trưa lại chở đoàn về, chiều lại cứ thế", “người tài xế nhân dân” Hoàng Phúc vừa cười vừa nói.
Hiểu được tầm quan trọng của oxy cho những trường hợp cứu người bệnh khẩn cấp, nhiều đội cấp oxy miễn phí cũng ra đời như chương trình ATM oxy, Đội xe cấp cứu và oxy 0 đồng… Nghệ sĩ Việt Hương cũng bỏ ra 400 triệu đồng để mua xe chở oxy hỗ trợ người dân trong giai đoạn dịch bệnh. Xe sẽ được nữ nghệ sĩ bàn giao cho Mặt trận Tổ quốc Quận 10 (thành phố Hồ Chí Minh).
Những nhóm thiện nguyện này có đường dây nóng để hỗ trợ bất cứ ai cần, nhiều khi cho cả những bệnh viện thiếu oxy khi có các ca khẩn cấp. “Bệnh nhân F0 tự chữa trị ở nhà ngày càng nhiều, các cơ sở y tế quá tải khiến nhu cầu cần hỗ trợ oxy ngày càng tăng, tụi mình phải chia thành các ca trực, trực 24/7, tất cả thành viên đều trải qua những đêm trắng trực điện thoại hỗ trợ người bệnh”, anh Tạ Quang Thế, phụ trách ATM oxy Quận 7 cho biết.
Cho đến nay, hàng trăm bạn đoàn viên, thanh niên và tình nguyện viên đã tham gia đội hình ATM oxy do Thành đoàn TPHCM triển khai tại 21 quận, huyện, ngày đêm kịp thời mang những bình oxy đến tận nơi cho người bệnh, trong đó có nhiều người là bệnh nhân mắc COVID-19. “Nếu không có những bình oxy đến kịp thời trong đêm, gia đình em cũng không biết có chuyện gì xảy ra với người thân bị bệnh”, Lê Trang, phường Tân Phú, Quận 7 cảm kích nói về đội ATM oxy đã giúp đỡ gia đình mình.
Không “ra trận” nhưng các sinh viên Đại học Y dược TPHCM lại có một chiến tuyến khác, đó là tư vấn điều trị. Họ cũng thức trắng đêm để hỗ trợ người bệnh khi cần. Có những ngày, họ nhận về gần 2.000 ca F0, hoặc thậm chí có hôm là hơn 8.500 F0 từ y tế địa phương. “Đối với những bệnh nhân nặng thì mình phải theo sát từng ngày, từng giờ, nhất là những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền hoặc có nguy cơ cao”, Lý Anh, sinh viên năm cuối Đại học Y Dược TPHCM, là điều phối chính của chương trình trên địa bàn Quận 10, cho biết.
Cũng như vậy, khi báo chí lên tiếng về những trường hợp thương tâm tử vong trong mùa dịch thì nhóm thiện nguyện Nhất Tâm đã có mặt và lo hậu sự cho bệnh nhân COVID-19 tử vong. "Thấy việc thiện thì làm, cũng không sá chi vất vả. Cộng đồng giúp mình, mình giúp lại cộng đồng", anh Trần Thanh Long, 41 tuổi, trưởng nhóm thiện nguyện Nhất Tâm, nói.
Nhóm hiện có khoảng 70 thành viên, làm việc 24/7, hoạt động theo tiêu chí giúp đỡ vô điều kiện những trường hợp qua đời do mắc COVID-19 hay mắc các bệnh khác. “Công việc này không dễ thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nỗ lực giúp bà con, phần nào giảm áp lực cho ngành y tế địa phương trong việc ứng phó với đại dịch", anh Long chia sẻ.
“Hành trình nhân ái” không kể ngày đêm
Kể từ khi TP. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, rất nhiều mảnh đời gặp khó khăn, những người lao động nghèo, người vô gia cư… đã được nhóm thiện nguyện Qũy Phước An Nhiên hỗ trợ các phần quà, bao gồm một phần bánh mỳ gối, nước khoáng, sữa đậu nành, sữa tươi, xúc xích và bánh quy; một phần sắn và khoai hấp; bánh giò)…
Khắp những nẻo đường của TP. Hà Nội, ở đâu có người gặp khó khăn, dù ở gầm cầu, trên vỉa hè hay trong ngõ hẻm, những tình nguyện viên của nhóm đều có mặt, mang theo tình yêu thương và sự sẻ chia trong những ngày tháng chống chọi với “kẻ thù vô hình” COVID-19.
Trước đó, từ tháng 6, nhóm thiện nguyện Quỹ Phước An Nhiên đã cung cấp đồ ăn sáng miễn phí phát tại một số điểm trên địa bàn Hà Nội. Trung bình mỗi ngày, các tình nguyện viên chuẩn bị khoảng 500 suất ăn gồm bánh mỳ trứng, bánh bao, bánh giò, hoa quả, nước lọc... để phát miễn phí cho những người thực sự cần.
Chị Đoàn Hồng Điệp, trưởng nhóm thiện nguyện, cho biết, dịch COVID-19 khiến hầu hết mọi người đều khó khăn hơn, thu nhập giảm sút, thậm chí nhiều người mất việc làm, không có chỗ ở. Đặc biệt, những người nghèo, lao động tự do, người vô gia cư còn khó khăn hơn rất nhiều. “Quỹ của chúng tôi được thành lập với mong muốn chia sẻ với những mảnh đời còn nhiều khốn khó, không chỉ tại Hà Nội mà trên khắp mọi miền đất nước. Hoạt động lần này hướng tới những người lao động nghèo bởi họ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh. Nhóm cảm thấy việc làm của mình tuy nhỏ bé nhưng góp phần giúp cho cộng đồng, giúp người dân vượt qua khó khăn tạm thời”, chị Điệp chia sẻ
Không chỉ hoạt động thiện nguyện tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, các thành viên trong nhóm cũng tích cực tham gia tại miền Nam- nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Ngày ngày, nhóm thiện nguyện vẫn âm thầm len lỏi tới những khu vực khó khăn ở TPHCM để san sẻ với người dân.
Mới đây, nhận được thông tin tại đường Trần Văn Đang, Phường 11, Quận 3, TPHCM hiện đang bị phong toả và các hộ dân đều không được ra ngoài, nhóm thiện nguyện lập tức chuẩn bị hàng chục phần quà bao gồm những nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mỳ tôm, trứng, nước tương, sữa... để chuyển vào, giúp đỡ một phần cho cuộc sống của người dân nơi đây.
Hay như cuối tháng 7, nhóm đã gửi hơn 1.300 suất ăn và gần 5.000 thuốc hạ sốt, các loại vitamin cho một số khu cách ly ở tỉnh Long An; gửi gạo và nhu yếu phẩm cho lực lượng biên phòng ở tỉnh này.
Nhận được thông tin tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 tại phường Tân Phú (Thủ Đức, TPHCM) đang ở tình trạng thiếu nước cất, nước suối để sử dụng cho máy sục oxy, ngay lập tức, nhóm thiện nguyện đã gửi đến 100 thùng nước suối để thay thế nước cất cho bệnh viện kịp thời sử dụng…
Nhóm thiện nguyện Quỹ Phước An Nhiên đến nay đã hoạt động được 12 năm. Ngoài các chương trình thiện nguyện giúp đỡ trong đợt dịch COVID-19 này, những năm qua, nhóm còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: Nấu cơm cho bệnh nhi và người nhà vào thứ 6 hằng tuần; phát quà cho người nghèo, người vô gia cư vào ngày rằm mùng 1 hằng tháng; xây nhà từ thiện; trợ cấp tiền hằng tháng cho người già neo đơn và trẻ mồ côi…
Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã trải qua 2 đợt giãn cách xã hội do liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới. Từ khi dịch COVID-19 bắt đầu len lỏi vào thành phố và các huyện của tỉnh Nghệ An, Công ty Cổ phần UNIVERSAL CHEMICAL TECHNOLOGY GROUP phối hợp cùng Hội thiện nguyện Tâm An đã sớm thực hiện việc hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn như: Lao động tự do, người neo đơn, sinh viên nghèo, người vô gia cư… và các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Từ nhiều ngày nay, Công ty thường xuyên nhận được đề nghị hỗ trợ hoặc cung cấp thực phẩm từ nhiều người dân và các tổ chức, đơn vị gửi về.
Ngay sau khi cập nhật các thông tin, các thành viên của Công ty sẽ rà soát, kiểm tra lại số liệu và lên kế hoạch cung ứng, hỗ trợ. Đối với những hoàn cảnh khó khăn, công ty sẽ hỗ trợ miễn phí. Đơn vị nào cần thực phẩm số lượng lớn thì Công ty sẽ phối hợp với một số nhóm thiện nguyện vừa hỗ trợ lương thực thực phẩm, vừa hỗ trợ vận chuyển.
Thực hiện công việc thiện nguyện không kể ngày đêm, mỗi ngày, đội vận tải của Công ty chạy hàng chục chuyến. Các thành viên của Công ty nhiều lúc không kịp ăn, phải thức dậy từ tờ mờ sáng để xếp hàng, phân phối hàng, sau đó kịp thời chuyển các phần hỗ trợ đến người dân một cách nhanh nhất.
Trong thời gian qua, Công ty đã hỗ trợ, vận chuyển được khoảng 2-3 tấn rau, hàng nghìn suất cơm; tiếp tế đồ dùng, nước uống cho các chốt dịch chống dịch. Ngoài ra, mỗi khi nhận được yêu cầu hỗ trợ các mặt hàng khác như nước uống, thuốc và đồ thiết yếu, Công ty đều nhận vận chuyển miễn phí cho người dân trong trường hợp khẩn cấp
Các hoạt động thiện nguyện đang góp phần giúp người dân chủ động phòng chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm cho chính bản thân họ, bảo vệ sức khỏe bản thân và thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng.